Diễn giả: Professor. ROBERT C. RICKARDS – German Police University, Münster, Germany.
—————
Vào ngày 04.11.2024, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội rất vinh dự được chào đón Giáo sư Robert C. Rickards đến từ Đại học Cảnh sát Đức, người có nhiều đóng góp nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu về bền vững doanh nghiệp và quản lý tác động môi trường. Giáo sư Rickards hiện là thành viên của Hội đồng Quản trị Hiệp hội Kế toán Quản trị Châu Á – Thái Bình Dương (APMAA) và đã giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, bao gồm Đại học Kwansei Gakuin (Nhật Bản), Đại học Széchenyi István (Hungary), và Trường Kinh doanh Munich (Đức), cùng nhiều cơ sở giáo dục uy tín khác. Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu nổi bật liên quan đến các yếu tố ESG và đánh giá hiệu quả bền vững giúp các doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong báo cáo ESG của mình.
Tại buổi chia sẻ tại Trường Kinh tế, Giáo sư Rickards đã chia sẻ quan điểm sâu sắc về việc đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp thông qua các chỉ số KPI không phân biệt ngành nghề, với trọng tâm là các chỉ số ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Ông chỉ ra rằng các chỉ số ESG hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong ba lĩnh vực trên, đồng thời chỉ ra rằng một doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao sẽ có khả năng tài chính linh hoạt hơn và gia tăng giá trị cho cổ đông, từ đó giảm thiểu rủi ro về vốn và thanh khoản.
Một trong những vấn đề mà Giáo sư Rickards đề cập là sự thiếu rõ ràng trong mối quan hệ giữa xếp hạng ESG và hiệu suất thị trường chứng khoán. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng các doanh nghiệp có mức độ thành công khác nhau trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và tích hợp chúng vào hoạt động hàng ngày của mình. Trong khi một số doanh nghiệp thực hiện rất tốt so với các chuẩn mực về chi phí xã hội và định giá carbon, thì các doanh nghiệp khác lại không đạt được kết quả như mong đợi.
Và cuối cùng, một điểm đáng chú ý là gần như tất cả các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực ESG đều có điểm yếu trong việc kiểm soát các phát thải khí nhà kính gián tiếp (Scope 3), điều này cho thấy sự thiếu hụt trong các phương pháp đo lường hiện tại. Giáo sư Rickards cũng cho rằng các nhà làm chính sách có thể sử dụng các chỉ số KPI này để xây dựng các chính sách và quy định khuyến khích các doanh nghiệp cam kết thực hiện các chiến lược bền vững hơn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Buổi seminar đã thu hút sự tham gia đông đảo của giảng viên, học viên, sinh viên của Trường Kinh tế.
Đã có rất nhiều những câu hỏi được đặt ra và thảo luận sôi nổi xoay quanh cách thức các doanh nghiệp có thể áp dụng các chỉ số KPI này vào thực tiễn và làm thế nào để phát triển chiến lược ESG hiệu quả hơn, đồng thời góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng và toàn cầu. Điều này chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của các giảng viên, học viên và sinh viên
Trường Kinh tế đối với những vấn đề bền vững trong kinh doanh và phương pháp đánh giá ESG, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự chú trọng đến tác động môi trường và các yếu tố xã hội trong hoạt động doanh nghiệp.